Hành trình phiêu lưu của 3 chàng trai từ bỏ vinh quang về nước bán vé xe

Hành trình phiêu lưu của 3 chàng trai từ bỏ vinh quang về nước bán vé xe

Diệu Phan
Diệu Phan phandieu.mtg@gmail.com
Chủ Nhật, 24/04/2022 - 06:09

Đang có tương lai rộng mở ở nước ngoài nhưng ba chàng trai trẻ quyết tâm trở về mang theo khát khao cống hiến tạo nên sự đột phá trong lĩnh vực giao thông vận tải và du lịch tại Việt Nam.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 22: Hành trình phiêu lưu của 3 chàng trai từ bỏ vinh quang về nước bán vé xe

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Mỗi chúng ta đều sẽ có những chuyến đi, những hành trình thú vị và hạnh phúc, thay đổi cuộc đời của mỗi người. Với sứ mệnh “góp phần cho hành trình của bạn hạnh phúc hơn”, các nhà sáng lập ra VeXeRe đang tận dụng sức mạnh công nghệ để giúp hàng trăm nhà xe quản lý hiệu quả hơn và hàng triệu khách hàng đặt vé xe nhanh chóng, tiện lợi hơn.

Được thành lập chính thức vào tháng 7/2013, Công ty cổ phần VeXeRe đã khẳng định được thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực vận tải xe khách bởi ba người đồng sáng lập: Trần Nguyễn Lê Văn (sinh năm 1985) - CEO (phụ trách quản lý và marketing); Lương Ngọc Long (sinh năm 1985) - CTO (phụ trách mảng công nghệ thông tin và sản phẩm) và Đào Việt Thắng (sinh năm 1987) - COO (phụ trách tài chính, nhân sự, bán hàng).

Tính đến thời điểm hiện tại, VeXeRe là hệ thống bán vé xe trực tuyến lớn nhất Việt Nam khi hợp tác với hơn 700 hãng xe, 5.000 đại lý bán vé, phủ hơn 2.600 tuyến đường trong và ngoài nước, giúp hàng triệu người dân có thể tìm thông tin chuyến đi, hãng xe và mua vé trực tuyến dễ dàng. Để đạt được những con số ấn tượng này, ít ai biết được "công thức bí mật" của VeXeRe đến từ hành trình phiêu lưu của những người sáng lập.

TỪ BỎ VINH QUANG ĐỂ BÁN... VÉ XE

Trước khi sáng lập và thành công với VeXeRe, cả ba người đồng sáng lập đều có xuất phát điểm rất cao. Anh Trần Nguyễn Lê Văn - Founder, quyết định bỏ học thạc sĩ tại Mỹ để trở về Việt Nam bắt đầu hành trình xây dựng VeXeRe.

Anh Đào Việt Thắng, Co-founder gác lại tương lai xán lạn ở một công ty đa quốc gia để cùng gầy dựng công ty.

Anh Lương Ngọc Long, Co-founder rời khỏi ngôi nhà tại Hàn Quốc sau khoảng thời gian dài an cư lập nghiệp để trở về Việt Nam bắt đầu hành trình mới.

Và điểm chung của ba doanh nhân trẻ là đều mong muốn trở về với chính mình, được dẫn lối bởi tinh thần luôn tiến về phía trước và khát khao cống hiến để "cách mạng hoá" lĩnh vực giao thông vận tải và du lịch tại Việt Nam.

Trần Nguyễn Lê Văn vốn là cựu sinh viên Đại học Bách Khoa TP.HCM, chuyên ngành công nghệ thông tin. Anh từng làm giảng viên tin học, dạy kỹ năng sống, lập trình, môi giới bất động sản và thậm chí là bắt đầu khởi nghiệp bằng việc bán bánh đúc, làm đầu mối thịt bò cho nhiều hệ thống lớn. Cuối năm 2011, khi đạt được suất học bổng toàn phần tại Trường đại học Thunderbird (bang Arizona, Mỹ), Lê Văn quyết định đi du học.

Tuy nhiên, khi đang theo học tại Mỹ, đến kỳ nghỉ đông, các bạn của Văn đều trở về nhà, chỉ còn mình anh ở lại ký túc xá. Trong tâm trạng nhớ nhà, Văn đọc báo và nhìn thấy tình trạng người dân Việt Nam xếp hàng mua vé xe về tết. Lê Văn cảm thấy chạnh lòng vì cũng như anh, những người sống xa quê hương luôn chờ đến ngày lễ tết để được về đoàn tụ với gia đình, nhưng họ phải mang chăn chiếu ra bến xe, nhà ga nằm chờ mua vé.

Đồng cảm với những người xếp hàng mua vé, từ khóa “vé máy bay” lần xuất hiện trong đầu và Lê Văn tự hỏi: “Tại sao ở Mỹ không ai xếp hàng để mua vé máy bay, nhưng người Việt Nam lại phải xếp hàng mua vé xe?”. Câu trả lời là ở Mỹ có hệ thống mua vé rất thuận tiện, thế nên Văn đã nghĩ đến một hệ thống tương tự như vậy đối với xe khách ở Việt Nam.

Lê Văn hồi tưởng: “Khi xin học bổng SHARE Scholarship thì tôi nói rằng điều thôi thúc tôi đến Mỹ là được học hỏi những điều hay đã giúp cho Mỹ trở thành cường quốc kinh tế số 1 thế giới để đem về áp dụng tại Việt Nam. Vì thế, trong thời gian đang theo học ở Mỹ, suy nghĩ về Việt Nam thực hiện dự án này luôn ám ảnh tôi, khiến tôi không thể tập trung. Ở Mỹ, tôi chỉ là một vị khách, có tôi hay không không quan trọng, còn Việt Nam thì khác. Nếu dự án VeXeRe thành công thì chúng tôi có thể "cách mạng hoá" lĩnh vực giao thông vận tải và du lịch ở Việt Nam, thế nên tôi nghĩ học ở trường lớp đến đó là đủ. Không trường lớp nào được thiết kế để xây dựng hệ thống bán vé xe khách thành công, tôi phải ra trường đời để học hỏi thêm”.

Trần Nguyễn Lê Văn quyết định bỏ dở chương trình học thạc sĩ dù bị gia đình phản đối, bởi trong xã hội trọng bằng cấp như Việt Nam, việc có tấm bằng MBA đồng nghĩa với tương lai rộng mở hơn, trong khi khái niệm khởi nghiệp khi ấy còn rất mơ hồ. Khi từ bỏ “giấc mơ Mỹ” trở về Việt Nam, việc đầu tiên anh Văn làm là thuyết phục hai người bạn của mình, song thời điểm đó rất khó, bởi cả hai đều có công việc ổn định với thu nhập cao ở các doanh nghiệp lớn.

Người đầu tiên Văn tìm đến là Lương Ngọc Long - bạn học cùng Đại học Bách Khoa TP.HCM. Long lúc đó là “ngôi sao” trong lĩnh vực công nghệ, từng đoạt giải Olympic Tin học Quốc gia. Trước khi đến với VeXeRe, anh từng làm ở các công ty công nghệ lớn như ELCA, Global Cybersoft, FPT, từ đó được học không ít quy trình làm việc chuyên nghiệp. Sau đó, anh tới Seoul (Hàn Quốc) làm việc gần 6 năm.

“Lúc đó, tôi là đang làm việc ở Hàn Quốc với mức lương cao, song vẫn quyết định nghỉ việc để khởi nghiệp. Có rất nhiều lý do để tôi quyết định khởi nghiệp, ví dụ như chủ động trong công việc, được làm điều mình thích, dù nhiều rủi ro nhưng nếu thành công thì kết quả đạt được có thể lớn hơn so với làm công ăn lương. Nhưng lý do lớn nhất là tôi muốn được giải một bài toán khó, mình có thể thoả sức thử nghiệm các phương án… Xuất thân là một kỹ sư công nghệ, tôi rất thích các bài toán hóc búa, càng khó thì càng hấp dẫn và càng khiến mình nỗ lực phát triển nhanh hơn. Nếu giải được bài toán này thì sẽ mang lại rất nhiều quả ngọt cả từ khía cạnh tinh thần.

Ở thời điểm đó, đặt vé máy bay có khá nhiều người làm rồi, tuy nhiên vé xe khách thì chưa ai làm, một phần vì nghiệp vụ xe khách Việt Nam quá phức tạp và tuỳ biến, lộ trình xe đi không cố định theo ngày và cả theo giờ, các hạng ghế cũng gần như không theo tiêu chuẩn chung. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thiết kế hệ thống lớn khi làm ở môi trường nước ngoài, tôi tin là điều đó hoàn toàn khả thi.

Ngoài ra, lúc đó các nước đều đang đổ về Đông Nam Á đầu tư, đặc biệt là Việt Nam đang ở thời kỳ vàng tương tự như các nước phát triển vài chục năm về trước với vô vàn cơ hội. Từng sống và làm việc ở nước ngoài lẫn ở Việt Nam, tôi thấy điều đó là rất đúng, không nhiều nước có đủ nguồn tài nguyên thiên nhiên lẫn con người và kể cả hạ tầng thông tin sẵn sàng như Việt Nam”, anh Long chia sẻ.

Sau Ngọc Long, người thứ hai Lê Văn tìm đến là Đào Việt Thắng, bạn học cùng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). Khác với Lê Văn và Lương Ngọc Long, Đào Việt Thắng tốt nghiệp cử nhân hạng ưu tại ĐH St.John’s (New York, Mỹ) chuyên ngành tài chính và từng là thành viên Ban Lãnh đạo dự án Next Generation của UNICEF thuộc Liên Hợp Quốc. Anh có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong mảng tài chính tại các ngân hàng lớn như ANZ, HSBC. Với vai trò là Giám đốc Tài chính, Đào Việt Thắng đã cùng với VeXeRe trải qua nhiều lần gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư uy tín ở châu Á.

Nhìn lại quyết định nghỉ việc ở ngân hàng nước ngoài với mức lương hàng ngàn USD và nhận từ công ty 1 triệu đồng/tháng khi khởi nghiệp, anh Thắng nói rằng đến nay vẫn thấy hài lòng với quyết định năm xưa.

“Tại VeXeRe, tôi được trau dồi, học hỏi, tiếp xúc rất nhiều thứ mới mẻ hàng ngày. Những việc này ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dựng tổ chức, văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, việc cải thiện chất lượng chung của ngành xe, thấy khách hàng vui vẻ khi chia sẻ về hành trình và trải nghiệm của họ là là một điều rất hạnh phúc. Hiện tại, tôi rất vui vì trang web và ứng dụng VeXeRe đã được hàng triệu khách hàng sử dụng thường xuyên”, anh Thắng nói.

CUỘC PHIÊU LƯU CỦA NHỮNG CHÀNG TRAI 8X

Với niềm tin tuyệt đối vào người cộng sự, tháng 7/2013, Vexere.com chính thức ra đời với số vốn 200 triệu từ 3 nhà sáng lập. Lúc bắt đầu, không có vốn, song 3 chàng trai 8X vẫn vô cùng tự tin với quyết định của mình, bởi họ tin tưởng VeXeRe hiểu nhu cầu khách hàng.

Kinh nghiệm từ môi trường làm việc nước ngoài là chưa đủ, 3 nhà sáng lập lao vào việc, vừa thiết kế, xây dựng trang web, vừa thuyết phục các hãng xe hợp tác. Thế nhưng, khác với các phương án giả định trong trường lớp, thách thức ở trường đời là thật và nhiều khi không thể dự đoán. Do vậy, đề nghị hợp tác từ Vexere.com liên tục bị từ chối.

Anh Văn thừa nhận thuyết phục những người làm cùng đã khó, thuyết phục chủ các hãng xe còn khó hơn. Chủ nhà xe phần lớn là những người đi lên từ tài xế, phụ lái nên không dễ thay đổi thói quen và cũng không mặn mà với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào doanh nghiệp. Chưa kể, ngành vận tải hành khách chịu sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, những luật lệ còn nhiều bất cập, không theo kịp thời đại và công nghệ.

Do vậy, anh và các cộng sự phải tư vấn, làm việc miễn phí cho một số nhà xe để tạo niềm tin. Để khắc phục điểm yếu không có kinh nghiệm trong ngành xe, các nhà sáng lập phải nghiên cứu hệ thống và quy trình bán xe vé khách online của những nước tiên tiến như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Việt Nam để tổng hợp vào hệ thống VeXeRe. Sau đó, họ dành hai tháng ròng ăn ngủ nghỉ tại nhà xe để chỉnh sửa thêm hệ thống để đảm bảo sản phẩm phần mềm làm ra sát nhất với nhu cầu thực tế của nhà xe. Ngoài việc hỗ trợ xây dựng hệ thống số hóa, đội ngũ sáng lập VeXeRe còn phải làm nhân viên bán vé khi nhà xe thiếu người.

“Để có tiếng nói chung, đội ngũ sáng lập quyết định bám theo nhu cầu hiện tại của nhà xe trước khi đưa ra kế hoạch mới. Bắt đầu từ cung cấp phần mềm quản lý vé xe khách miễn phí cho 2 nhà xe. Kết quả là họ tiết kiệm 40% chi phí điện thoại, giảm thiểu sai sót so với quy trình thủ công và tăng doanh thu vé bán lên 20%-30%. Cộng thấy tiền rồi, chủ nhà xe này đồng ý hợp tác với chúng tôi. Từ việc ban đầu chỉ có hệ thống quản lý cho nhà xe, VeXeRe sau đó đã mở thêm rất nhiều sản phẩm mới để giúp nhà xe chuyển đổi số toàn diện vexere.com như website và app thương hiệu nhà xe, app cho tài xế, app cho nhân viên, phần mềm quản lý chành xe.

Trong kinh doanh, một người thấy được lợi ích thì sẽ dẫn tới sự lan tỏa rộng hơn và chính chủ nhà xe này đã giới thiệu chúng tôi với doanh nghiệp khác. Thế là Vexere.com được chấp nhận và hiện tại đã chiếm hơn 80% thị phần nhà xe xài phần mềm quản lý ở Việt Nam”, anh Văn kể lại kinh nghiệm triển khai dự án.

Nhưng, đó mới là ở phía nhà xe. Vexere.com chưa tìm được cách thay đổi thói quen mua vé online thay vì mua vé truyền thống vì khách đi xe phần lớn là người lao động có thu nhập trung bình, thấp, ít sử dụng Internet... nếu không giải được, sẽ lại tắc.

Anh Văn nhớ lại: “Chúng tôi đưa ra 3 lời giải: Thứ nhất là nhiều ưu đãi và giá rẻ. Giá vé mua online phải tiện lợi, rẻ hơn hoặc ngang mua trực tiếp bằng việc cung cấp rất nhiều ưu đãi giảm giá của VeXeRe hoặc từ phía nhà xe. 

Thứ hai, đảm bảo chắc chắn có vé khi đặt: VeXeRe cam kết hoàn tiền 150% nếu không có vé cho khách. Ngoài ra, việc có 700 nhà xe sử dụng chung phần mềm quản lý của VeXeRe cũng giúp vé của khách đặt xong thì nhà xe nhận được ngay tức thì. Toàn bộ sơ đồ ghế trống mà khách thấy khi chọn chuyến đi được cập nhật theo thời gian thực giúp khách chủ động chọn được chỗ ngồi yêu thích. 

Thứ ba, nhiều sự lựa chọn: Khách có thể dễ dàng so sánh giá vé, giờ chạy, chất lượng của tất cả hãng xe chạy tuyến đường đó mà không phải gọi điện thoại trực tiếp đến từng hãng xe để kiểm tra mà vẫn lựa chọn được hãng xe uy tín chất lượng. 

Ngoài ra, VeXeRe cũng phải nghĩ cách để quảng bá hình thức mua vé tiến bộ này tới giới trẻ, đặc biệt là thông qua các cuộc thi công nghệ. Cách làm này giúp cho các bạn trẻ có thêm cơ hội thể hiện tài năng, đồng thời VeXeRe không chỉ có nhiều khách hàng là cá nhân và đại lý bán vé mà còn gọi vốn thành công từ quỹ đầu tư CyberAgent Ventures (Nhật Bản) và Pix Vine Capital (Singapore)”.

Anh Lê Văn chia sẻ thêm: “Nhìn vào VeXeRe, đa phần mọi người thường chỉ biết chúng tôi là một trang bán vé xe online, nhưng không biết rằng bên dưới tảng băng là một hệ sinh thái mười mấy sản phẩm khác dành cho đại lý và nhà xe. 

Nhà xe xài phần mềm của VeXeRe không chỉ giúp họ tiết kiệm chi phí mà còn tăng 20-30% doanh thu bán vé từ hệ thống 5.000 đại lý trong và ngoài nước. Các hãng xe ngày càng gắn bó chặt chẽ với chúng tôi và VeXeRe trở thành kênh phân phối bán vé duy nhất và lớn nhất ở thị trường và website/app VeXeRe.com trở thành kênh lớn nhất và đáng tin cậy nhất để khách đặt vé xe online đi toàn quốc”.

Thành công chỉ mới bắt đầu thì bất ngờ dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến các startup nói chung và VeXeRe nói riêng trở tay không kịp khi áp lực về tài chính, dòng tiền, cũng như nguồn thu bán vé sụt giảm. CEO VeXeRe cho biết, có những ngày nhìn trên hệ thống chỉ vài vé không khác gì khởi nghiệp từ đầu.

Tuy nhiên, đội ngũ lãnh đạo của VeXeRe luôn kiên trì và tin tưởng rằng đó là khoảng thời gian startup tập trung tìm kiếm các cơ hội phát triển khi đại dịch đi qua. Trước đây, khi tình hình kinh doanh ổn định, các hãng xe không có động lực thay đổi hay tìm cách tối ưu chi phí. Nhưng trong giai đoạn này, họ nhận thấy rằng việc áp dụng công nghệ sẽ giúp giảm chi phí, tăng doanh thu online và bắt đầu tìm đến nhiều hơn. Nhờ đó, VeXeRe có thêm những đối tác mới.

“Covid-19 là thời điểm nhà xe ngưng vận hành, doanh thu VeXeRe giảm nhưng lại cơ hội tốt để chúng tôi nhìn con đường mình đã đi, xem lại sứ mệnh ban đầu đã đi đúng hướng và đưa ra con đường đi dài hạn. Bình thường, chúng tôi chỉ lo việc ngắn hạn, lo khách hàng, lo vận hành mà không lo tập trung vào chiến lược trung và dài hạn, thì dịch ập đến là dịp để VeXeRe bắt đầu cải tổ, xây móng nhà cho vững hơn và mở rộng ra mảng mới. Đây cũng là cơ hội để rèn quân, thời gian dịch là dịp chúng tôi tổ chức training, đào tạo để mọi người bổ trợ lẫn nhau”, anh Văn cho biết.

Nhận thấy giai đoạn vừa qua mới chỉ tập trung mảng xe khách, VeXeRe đã ra mắt GoYolo.com – ứng dụng tích hợp đặt vé máy bay, xe khách và tàu hoả. Đây là nền tảng đặt vé đầu tiên ở Việt Nam cho phép người dùng so sánh giá cả, giờ khởi hành, thời gian di chuyển, đánh giá chất lượng giữa máy bay, xe khách, xe lửa trên cùng 1 màn hình. Hệ thống cũng được tích hợp trực tiếp với các hãng hàng không, xe khách và xe lửa, đảm bảo luôn có vé cho khách hàng di chuyển.

Theo anh Lê Văn, cho tới nay VeXeRe đang cung cấp dịch vụ cho 700 nhà xe, 5.000 đại lý bán vé. Hệ thống này cho phép hành khách chọn giá vé, nhà xe, ghế ngồi, tuyến đường theo ý muốn với các hình thức thanh toán linh hoạt. Tùy từng thời điểm và chính sách của hãng xe, hành khách có thể mua được vé xe rẻ hơn giá thực tế từ 10-50%.

MUỐN ĐI XA, HÃY ĐI CÙNG NHAU

Để bắt tay vào khởi nghiệp, bên cạnh ý tưởng tốt, chiến lược và kế hoạch cụ thể, biết quản lý tài chính một cách phù hợp… thì con người là yếu tố vô cùng quan trọng. Nói cách khác, chọn đúng người đồng hành chắc chắn sẽ giúp hành trình khởi nghiệp rút ngắn và sớm đạt được thành công. VeXeRe cũng vậy, bắt đầu từ những mảnh ghép không đồng đều, vốn ít, kỹ năng chưa đủ, kiến thức công nghệ thông tin không nhiều… nhưng bù lại, cả 3 người đồng sáng lập có một sự đam mê mãnh liệt và niềm tin vững chắc vào đồng đội, về những điều mình đang làm.

Anh Lê Văn cho biết, trong khi 90% startup thất bại trong những năm đầu tiên khởi nghiệp, VeXeRe thuộc số ít đứng vững suốt 9 năm qua phần lớn là nhờ sự kiên cường của đội ngũ các nhà sáng lập. Đây không phải là công thức riêng của CEO VeXeRe, mà công ty nghiên cứu uy tín CBInsights đã chỉ ra 23% các startup trên thế giới thất bại vì đội ngũ sáng lập không phù hợp.

CEO Trần Nguyễn Lê Văn ví von, việc tìm người đồng sáng lập khó như việc đi tìm người bạn đời để tiến tới hôn nhân, bởi họ phải lặn lội qua nhiều quá trình hẹn hò, tìm hiểu, đồng cam cộng khổ và phải có chung tư tưởng. Những người có vẻ phù hợp tiêu chí thường đều "có nơi, có chốn", startup thì càng khó cạnh tranh về lương. Do đó, để thuyết phục các đồng sáng lập, anh Văn đưa ra tầm nhìn và sứ mệnh của VeXeRe - niềm tin mạnh mẽ vào vào giấc mơ cách mạng hóa ngành xe khách Việt Nam.

CEO VeXeRe cũng nhấn mạnh vào việc giữ đúng cam kết, nói được, làm được, bởi hành động có giá trị hơn ngàn lời nói. Là người đứng đầu, anh Lê Văn đã dám chấp nhận hy sinh, đặt cược tất cả vào cuộc chơi này khi quyết định về Việt Nam và khiến những người đồng đội có thêm niềm tin vào sự quyết tâm của mình. Khi biết mình sẽ luôn là người ở lại cho đến cuối cùng, họ có thêm niềm tin và mạnh mẽ hơn.

“May mắn của tôi khi khởi nghiệp là có hai founder giỏi hơn mình, có nhiều kinh nghiệm trong quản trị. Thắng và Long đều làm ở các công ty lớn, có nhiều kinh nghiệm, nhưng lại rất khiêm tốn và chấp nhận nhúng tay xuống vũng bùn. Hai người họ đều có những giá trị nền tảng, thích đọc sách, nghiên cứu, tìm hiểu phát triển liên tục và cùng có khát vọng, tinh thần khởi nghiệp.

Ở VeXeRe, ba người đồng sáng lập không ai là sếp của ai, không ai áp KPI cho ai, không ai giao việc cho ai, bởi chúng tôi đều rất chủ động công việc của mình. Thành thử ba người là ba mảnh ghép khác nhau, nhưng khi ráp vào lại phù hợp và bổ trợ cho nhau. Tôi có niềm tin tuyệt đối vào hai cộng sự của mình, cùng có khát vọng đi lên, sẵn sàng lắng nghe nhau. Khi khởi nghiệp phải lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận nhau thì mới đi xa được”, anh Văn tâm sự.

Cùng chung quan điểm với Lê Văn, anh Đào Việt Thắng – COO VeXeRe đặt niềm tin tuyệt đối vào hai người đồng sáng lập. Anh Thắng nói rằng, ngay từ thời điểm khởi đầu, Lê Văn và Ngọc Long luôn hết mình với sứ mệnh và tầm nhìn của VeXeRe, luôn cố gắng để đáp ứng khách hàng tốt hơn. Xe khách liên tỉnh là một lĩnh vực cần rất nhiều thời gian để cải thiện, nên để được như ngày hôm nay, mọi người đã rất kiên trì với mục tiêu ý nghĩa ban đầu, mong muốn được đóng góp cho xã hội và người dân.

“Theo tôi, đội ngũ sáng lập cần có chung tư tưởng giá trị ban đầu thì sẽ dễ gắn bó cùng nhau qua những lúc khó khăn xuyên suốt chặng đường khởi nghiệp hơn”, anh Thắng bày tỏ.

Còn đối với anh Lương Ngọc Long, CTO VeXeRe, ba thành viên sáng lập đều thế mạnh riêng có thể bổ trợ cho những người còn lại, cùng định hướng và chung sức phát triển hệ thống.

“Văn cũng là kỹ sư công nghệ như tôi nhưng định hướng phát triển sản phẩm và business nên đã sang Mỹ học thêm về kinh doanh, đồng thời từng khởi nghiệp và lãnh đạo nhiều đội nhóm thành công. Còn Thắng tốt nghiệp ngành tài chính ở Mỹ và có kinh nghiệm làm việc ở tập đoàn đa quốc gia là một sự bổ sung rất tốt cho đội ngũ, vì tài chính là huyết mạch của doanh nghiệp. Tôi thì thuần về công nghệ, chuyên thiết kế và hiện thực hệ thống, đồng thời vận hành đảm bảo hệ thống hoạt động trơn tru, khả năng mở rộng tốt khi người dùng tăng trưởng nhanh. Đặc biệt là các dịp lễ với lượng người dùng đột biến thường sẽ làm sập những hệ thống không được đầu tư kỹ ở khâu thiết kế, cài đặt và vận hành”, anh Long cho biết.

TỰ HỌC HỎI XÂY DỰNG NỀN TẢNG KHỞI NGHIỆP

Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp của mình, anh Lê Văn cho biết “triết lý sống của mình là Go! You Only Live Once!”, nghĩa là chỉ sống một lần, nên khi đã lựa thì hãy hết mình. Nhớ lại thời điểm thuyết phục hai người bạn Thắng và Long cùng đồng hành, anh Lê Văn chia sẻ đến sứ mệnh của mỗi người. Đó là họ muốn sống cuộc sống thường nhật, ngày đi làm 8 tiếng hay cùng chung tay cách mạng hoá ngành giao thông vận tải và du lịch để nhiều người không phải xếp hàng mua vé nữa? Cả ba đều có chung niềm tin là mọi người đều xứng đáng có chuyến đi vui vẻ, hạnh phúc. Mọi người có khát khao, muốn làm việc để bản thân không hối tiếc về tuổi trẻ của mình.

“Điều quan trọng nhất là phải có niềm tin vào việc mình làm. Nếu không có niềm tin thì không thuyết phục được chính mình và đồng đội, khách hàng, những người xung quanh để bổ trợ. Khởi nghiệp chỉ nghĩ đến thành công, đến tiền thì bắt đầu bằng cái gì sẽ kết thúc bằng cái đó. Nếu như biết chắc rằng việc mình làm có thể cách mạng hoá ngành xe khách, đem lại giá trị khách hàng thì khó khăn trước mắt không làm mình nản lòng. Khởi nghiệp là chặng đường rất dài, đá tảng nhiều, nếu không có niềm tin thì sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Tuổi trẻ cứ đi thôi, rồi thế nào cũng sẽ đến”, anh Văn khẳng định.

Dành lời khuyên cho những bạn trẻ bắt đầu bước chân vào con đường khởi nghiệp, CEO VeXeRe nói rằng, mỗi người cần trang bị kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng xem mình có phù hợp hay không. Khởi nghiệp tuy thắng có thể lớn, nhưng xác suất thắng rất thấp nên không phải ai cũng phù hợp.

Nếu không bền bỉ, kiên trì đi đến cùng và hy sinh thì đi làm công vẫn tốt nhất. 

Khi khởi nghiệp mà không thuyết phục được bản thân mình, chỉ chạy theo trào lưu thì sẽ dễ thất bại. Nhiều người bỏ học ở trường đại học để khởi nghiệp nhưng thực chất họ học rất nhiều thứ từ xã hội. Thầy cô không dạy cho mình những điều đó, mà phải tự học. Tự trau dồi, học hỏi mới sẽ tạo nền tảng quan trọng cho khởi nghiệp.

Cùng chung quan điểm ấy, anh Đào Việt Thắng cho rằng, hành trình khởi nghiệp đem đến nhiều áp lực và cung bậc cảm xúc, đòi hỏi giới trẻ phải kiên trì, hy sinh nhiều thứ để vươn tới thành công. Đời sống của những người starup giống như một tàu lượn siêu tốc. Ngày hôm nay có thể ở trên mây, nhưng ngày mai có thể rớt xuống.

“Lời khuyên của tôi là nếu thật sự đam mê với ý tưởng và sẵn sàng hy sinh mọi thứ thì hãy khởi nghiệp. Việc chọn lựa sự nghiệp sẽ tùy thuộc vào mỗi cá nhân, có thể phù hợp với người này, nhưng chưa chắc phù hợp với người khác, vì nhiều lý do như hoàn cảnh, sở thích cá nhân, khả năng chịu đựng áp lực…

Đến nay, tôi vẫn thấy hài lòng với quyết định năm xưa, bởi tôi học được nhiều trong việc xây dựng tổ chức, văn hóa doanh nghiệp, được trau dồi, học hỏi, tiếp xúc rất nhiều điều mới hàng ngày tại VeXeRe. Đặc biệt, chúng tôi đã cải thiện chất lượng chung của ngành xe, được thấy khách hàng vui vẻ khi chia sẻ về hành trình và trải nghiệm của họ”, anh Thắng chia sẻ.

 

Cũng nhìn lại quyết định nghỉ việc ở nước ngoài để về Việt Nam khởi nghiệp, anh Lương Ngọc Long nói rằng, nếu chọn lại vẫn sẽ đi con đường này: “Nhiều lúc tôi không nhận ra bản thân mình vì ở VeXeRe, mỗi ngày đều thấy mình học được những điều mới, gần như không có điểm dừng. Càng làm tôi càng thấy những gì mình chưa biết còn rất nhiều, cơ hội cũng mở ra tương ứng theo sự phát triển của bản thân, đồng nghiệp và công ty.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không nên làm việc ở môi trường quốc tế, không nên làm công ăn lương mà cứ đi khởi nghiệp. Tôi bắt đầu với VeXeRe sau nhiều năm đi làm ở các môi trường khác nhau, cọ xát và học hỏi thực tiễn rất nhiều, cả cách thức làm việc chuyên nghiệp của các công ty nước ngoài. Đó là những nguyên liệu rất quan trọng để giúp tôi có thể cùng với Văn và Thắng chèo lái VeXeRe đến bây giờ”.

Chia sẻ với các bạn trẻ bắt đầu khởi nghiệp, anh Long cho rằng đã có rất nhiều lời khuyên hay của các doanh nhân thành công, đa phần đều rất đúng. Nếu chọn một điều khác để nói, theo anh Long là những khả năng lõi như thích ứng với hoàn cảnh, liên tục cập nhật xu hướng mới, nắm bắt được thị trường và khách hàng, lấy xây dựng đội ngũ làm trung tâm. Chỉ cần người còn, đội ngũ còn, tất cả cùng chung chí hướng thì vấn đề sẽ không còn gói gọn trong bài toán khởi nghiệp ban đầu nữa mà có thể mở rộng ra rất nhiều cơ hội khác.

Anh Long phân tích: “Dù công nghệ đã phát triển rất nhanh những năm gần đây, các công ty khởi nghiệp về công nghệ tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng, quy mô, tuy nhiên tôi vẫn thấy còn rất nhiều cơ hội, rất nhiều vấn đề trước đó không thể giải quyết mà nay có thể xử lý bằng công nghệ hiệu quả hơn. Những công nghệ như AI và deep learning, blockchain, big data dù không phải quá mới ở thời điểm này nhưng vẫn còn ở giai đoạn đầu nếu nhìn bức tranh dài hạn.

Ngoài ra, có rất nhiều công cụ hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ dễ hơn trước nhiều, từ designer như Figma, Miro, đến các framework cho dev như ReactJS, ReactNative, Flutter, đến các công cụ giúp cài đặt và vận hành hệ thống dễ hơn nhiều, chỉ một nút nhấn là sản phẩm đến tay khách hàng. Hay cả trào lưu No Code gần đây như WebFlow để bất kì ai cũng có thể tự tạo trang web cho mình mà không cần phải là kỹ sư công nghệ. Chưa kể, các công ty cung cấp hạ tầng Cloud lớn như Google và Amazon đều có chương trình startup để hỗ trợ chi phí hạ tầng giai đoạn đầu rất tốt. Tất cả những công cụ này là cơ hội rất lớn cho các bạn trẻ, do đó chỉ cần dám ước mơ, nỗ lực, trau dồi phát triển bản thân mỗi ngày, dám thử, thì hoàn toàn có thể thành công”.

 

04/21/2022 11:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top